Làng làm Hương đen làng Chóa – Bắc Ninh

Hương đen làng Chóa, Bắc Ninh-Nét đẹp Hồn Việt

Đến làng Chóa (Thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên phong) vào những ngày này mới thấy được không khí nhộn nhịp của người dân đang hối hả nấu nhựa trám, nghiền than, trộn bột, se nhang chuẩn bị hàng Tết tại nơi làm nên thương hiệu Hương đen làng Chóa.

hương đen làng chóa
Trước sân mỗi nhà đều ngập sắc màu của những cây hương.

Nức tiếng một làng nghề với thương hiệu Hương đen làng Chóa

Dạo một vòng quanh làng đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh lao động khẩn trương, tiếng se hương lách cách vui tai. Trước sân mỗi nhà đều tràn ngập sắc màu đỏ, đen, vàng nhạt của những cây hương thành phẩm, chân hương, que hương và cả những nụ cười hồn hậu của những người thợ làm hương làm không khí thêm phần rộn ràng của những ngày giáp Tết.

Dừng chân tại cơ sở sản xuất hương đen của ông Đào Sỹ Giang, một trong những cơ sở sản xuất lâu năm của thôn, những ngày này, gia đình ông Giang lúc nào cũng phải duy trì từ 4 – 6 người làm liên tục để kịp đơn hàng trả cho thương lái bán Tết. Ông Giang cho biết, cơ sở của ông làm hương quanh năm, nhưng cứ đến tháng 11, 12 âm lịch hàng năm, cơ sở phải sản xuất gấp 3, 4 lần ngày thường mới đủ hàng giao cho khách. Tính trong năm nay, cơ sở sản xuất của gia đình ông đã dùng hết hơn 4,5 tấn nguyên liệu và làm ra hàng vạn que hương các loại để giao cho khách hàng.Hương đen làng Chóa có mùi thơm mát của nhựa trám. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm hương đen tại đây đã có từ hàng trăm năm trước và được lưu truyền phát triển đến bây giờ. Để có được những cây “hương sạch” không hóa chất, người làm hương phải cầu kỳ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương đến những công đoạn để tạo thành sản phẩm hoàn thiện.

hương đen làng chóa, bắc ninh
Se hương là một trong những công đoạn để cho ra những cây hương thành phẩm

Kiên trì theo đuổi phương thức sản xuất hương thủ công truyền thống, ông Ngô Bá Thành, chủ một cơ sở sản xuất hương của Làng Hương đen làng Chóa cho biết: Năm nay thời tiết ít mưa, nắng nhiều nên việc sản xuất hương khá thuận lợi. Bên cạnh đó, nguồn nhập nguyên liệu dồi dào, giá cả nhập ổn định, nên giá hương xuất ra thị trường không chênh nhiều so với mọi năm.

Hương đen làng Chóa nổi tiếng bởi nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không có hóa chất. Người dân làng Chóa chủ yếu sản xuất ra 5 loại hương, từ 30cm đến 1,2m; mỗi bó hương có giá dao động từ 25.000 đồng đến 350.000 đồng/100 cây hương tùy theo kích cỡ.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyết, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lạc Trung cho biết: Hiện thôn Lạc Trung có khoảng hơn 800 hộ dân. Trong đó, có gần 100 hộ làm hương tạo nên Hương đen làng Chóa, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ, chủ yếu là phụ nữ, với mức thu nhập khoảng 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm cận Tết, rất đông thương lái đến tận cơ sở sản xuất thu mua rồi sau đó đem đi tiêu thụ tại một số tỉnh, thành trong cả nước như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đắc Nông…

Một mùa Xuân mới đang về, những người dân làng Chóa vẫn miệt mài nấu nhựa trám, nghiền than, trộn bột, se nhang làm hương với mong muốn mang đến một cái Tết đầm ấm, mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Việt và gìn giữ thương hiệu Hương đen làng Chóa

N.N-Nguồn bacninh.gov.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *