Hương đạo là gì? Tương tự như Trà đạo, Kiếm đạo … nghệ thuật hương đạo đến từ Nhật Bản với bề dày lịch sử gần 500 năm. Hương đạo giúp cho tâm hồn con người trở nên tĩnh lặng giữa cuộc sống ồn ào. Chúng ta cùng tìm hiểu về nét nghệ thuật độc đáo này nhé:
1. Nghệ thuật hương đạo là gì?
“Hương” chắc chắn không phải là cái tên xa lạ gì đối với các nước Châu Á, đặc biệt là các quốc gia theo đạo Phật. Hương đạo chính là nghệ thuật thưởng thức hương trầm của người Nhật Bản, đây cũng là môn nghệ thuật được đánh giá cao về sự tao nhã, thanh lịch, kiên nhẫn của những thưởng thức.
Nhang trầm hương không tăm nén, Nụ Trầm hương, Bột Trầm hương,… là các sản phẩm chuyên dùng để đốt hương.
Trong nghệ thuật hương đạo không phải ai cũng có đủ các tố chất để cảm nhận được hương đạo vì nó đòi hỏi một khả năng khứu giác tinh tế, sự tập trung cao độ cũng như khả năng phân tích và trí nhớ nhạy bén.
2. Lịch sử của “Hương đạo”
- Thời kỳ Asuka (592 – 710): Bấy giờ có một phiến gỗ lớn trôi dạt vào bờ biển đảo Awajishima thuộc tỉnh Hyogo, được người dân trên đảo mang về làm củi, nhưng khi cho vào bếp lò họ vô cùng kinh ngạc với hương thơm tỏa ra từ đó và quyết định tiến dâng lên Thiên hoàng Suiko.
- Thời kỳ Nara (710 – 794): Đến năm 752 cùng với đạo Phật, các công thức bào chế hương liệu gồm trầm hương, xạ hương, nhu hương, quế bì đã được thiền sư Giám Chân của nhà Đường truyền bá vào Nhật Bản.
- Thời kỳ Heian (749 – 1185), tầng lớp quý tộc Nhật Bản bắt đầu hứng thú với việc thưởng hương. Sự kết hợp các loại hương liệu được quy định theo mùa. Mỗi thay đổi dù rất nhỏ trong thành phần hương liệu cũng sẽ ảnh hưởng đến chất hương. Trong thời kỳ này, việc tặng hương liệu kèm theo một bài thơ cho nhau rất phổ biến.
- Thời Kamakura (1185 – 1333), giới Samurai thâu tóm quyền lực và dần được quý tộc hóa bằng những thú vui tao nhã của giới quý tộc. Nghệ thuật hương đạo từ thời kỳ này có sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần võ sĩ đạo và triết lý Thiền của đạo Phật.
- Thời kỳ Muromachi (1333 – 1603), Nhật Bản triền miên trong biến loạn. Cảm nhận một cách sâu sắc về sự vô thường của quyền lực và kiếp người sau những mất mát, hoang tàn của chiến tranh, những bậc hiền nhân đã kiến tạo nên nghệ thuật hương đạo mang đậm triết lý về vẻ đẹp vô thường, cảm thức mùa của người Nhật. Cuối thời Muromachi, nghệ thuật thưởng hương được phát triển thành hai trường phái chính: trường phái Oie (御家流) do quý tộc Sanetaka Sanjonishi sáng lập, có đặc trưng là chú trọng vào tính chất của hương; và trường phái Shino (志野流) do một võ sĩ tên Soshin Shino sáng lập, chú trọng vào nghi thức thưởng hương.
- Thời kỳ Edo (1603 –1868):Hương đạo phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản. Những dụng cụ phục vụ cho nhu cầu thưởng thức Hương đạo được chế tác tinh xảo. Đây cũng được coi là thời kỳ vàng son của nghệ thuật hương đạo.
3. “Nghe hương” bằng cả tâm hồn
- Ngồi ngay ngắn, thư thái, tay trái giữ chén hương trầm
- Từ từ nâng chén lên ngang mũi, tay phải che miệng chén để làn hương trôi qua khoảng không giữa ngón trỏ và ngón cái, hít ba hơi thật sâu.
- Làn hương thấm vào mũi sẽ đi qua tim và chạm đến đáy tâm hồn. Người thưởng hương khi đạt được độ tĩnh tại sẽ nghe ra chất hương và gọi thành tên.
4. 10 đức của hương trong nghệ thuật hương đạo
-
- Tăng khả năng cảm giác
- Thanh tẩy cơ thể và tâm hồn
- Thanh lọc cơ thể
- Xua tan cơn buồn ngủ
- Chữa nỗi cô đơn
- An định tinh thần
- Nhiều không cản lối
- Ít vẫn thơm lâu
- Nhiều năm không hỏng
- Dùng hằng ngày không gây hại
5. Nghi thức trong nghệ thuật hương đạo
- Nghi thức hương đạo thường được tổ chức ở các phòng chiếu Tatami dưới hình thức một cuộc thi thưởng hương. Trong nghệ thuật hương đạo để thưởng thức được mùi hương theo phong cách hương đạo, người thưởng thức phải biết cách nhận biết và phân biệt được những mùi hương theo quy định từ nhiều mùi hương khác nhau.
- Để làm được điều này người muốn chơi nghệ thuật hương đạo phải rèn luyện một khả năng khứu giác thật nhạy bén và tinh tế, cũng như khả năng tập trung phân tích cao độ. Trong cuộc thi người tham gia thi đấu phải gọi đúng tên mùi hương dựa trên ký ức.
- Dù có những cuộc thi đấu nhưng với nghệ thuật hương đạo không hề có tính hơn thua, phân thắng bại. Người chơi và người thưởng thức chỉ nương theo làn hương để thanh tẩy mình khỏi những tạp niệm, tận hưởng sự tĩnh lặng giữa cuộc sống ồn ào.
Nguồn từ visadep
Bài viết liên quan